(Tự thú - Lev Tolstoy) |
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Lev Tolstoy là một đại văn hào, tác giả của những tác phẩm văn học vĩ đại như “Chiến tranh và Hòa bình”, “Anna Karenina”,… được cả thế giới ngưỡng mộ, và ông đã đạt tới vinh quang tột đỉnh của sự nghiệp. Nhưng chuyện đáng nói về ông hôm nay không phải là vinh quang của ông, không phải văn chương của ông, mà là cuộc khủng hoảng Đức tin nghiêm trọng ở ông – nghiêm trọng đến nỗi ông thấy cuộc đời thật vô nghĩa, và ông đã từng muốn tự tử.
Nội dung cuộc khủng hoảng ấy có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Ông xuất thân là người có Đạo, nhưng đã từ bỏ Đạo, đánh mất Đức tin, và không tìm thấy bất cứ cái gì để thay thế Đức tin đã mất. Toàn bộ sự thật này đã được chính ông kể lại rất trung thực trong cuốn “Tự Thú” (Confession), một cuốn tự truyện đã được dịch ra tiếng Việt bởi dịch giả Đỗ Tư Nghĩa. Xin chân thành cảm ơn dịch giả Đỗ Tư Nghĩa vì công trình dịch thuật rất bổ ích này.
Với “Tự Thú”, bức chân dung tự họa của Tolstoy đã được mô tả nổi bật trong sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa lý trí và đức tin, giữa bản chất thiện lương của cá nhân với cái xu thế suy đồi vô đạo đức của thời đại, giữa số phận huy hoàng bề ngoài với nội tâm giằng xé cắn rứt, giữa Thượng Đế cao cả với sự hư hỏng đồi bại của con người,…
Thật vậy, Tolstoy không chỉ thành công trong văn học, mà thành công cả trong cuộc đời nói chung. Tiền tài, danh vọng, sức khỏe, gia đình êm ấm,… và cả lạc thú nữa, ông không còn thiếu thứ gì, thậm chí còn được thụ hưởng ở mức thừa thãi. Một người như thế lẽ ra phải rất hạnh phúc và thỏa mãn. Nếu không phải là Tolstoy, mà là một kẻ coi tiền bạc và danh vọng là thước đo giá trị (một kẻ sống trên những nền tảng luân lý mà Albert Einstein gọi là lý tưởng của bầy lợn) thì với những thành công như Tolstoy đã đạt được, ắt hẳn hắn sẽ phải rất đắc chí, vênh vác, nghĩ mình là loại người cao quý lắm. Nhưng trái lại, Tolstoy đã khám phá ra sự tột cùng vô nghĩa và giả tạo trong những thứ được gọi là thành công ấy, để rồi ông lao vào tìm kiếm cho đời một ý nghĩa đích thực. Nhưng bi kịch thay, chua chát thay, ông không tìm thấy ý nghĩa đó ở đâu cả. Sự bế tắc trong việc giải bài toán ý nghĩa cuộc sống đã đẩy ông vào tình trạng khủng hoảng đức tin – đức tin tôn giáo vốn có đã bị ông từ bỏ từ tuổi thiếu niên và ông không tìm thấy một đức tin nào khác để thay thế. Điều duy nhất ông tìm thấy, trớ trêu thay, như chính ông nói ra, ấy là cuộc đời thật vô nghĩa!
Tại sao vậy? Tại sao một con người thành công như thế mà lại rơi vào bi kịch thảm hại đến như thế? Cái gì là nguyên nhân dẫn tới bi kịch đó?
Đọc “Tự Thú”, tôi thấy nguyên nhân đó lộ ra rất rõ ràng: đó là cái bối cảnh xã hội khi ông sinh ra và lớn lên, cái không-thời-gian mà ông sống trong đó từ tuổi ấu thơ cho tới lúc nhắm mắt. Nói rõ hơn và cụ thể hơn, đó là sự trỗi dạy của chủ nghĩa duy vật và vô thần trong nửa đầu thế kỷ 19. Chủ nghĩa này đã tước bỏ Đức tin của cậu thiếu niên Lev Tolstoy, đẩy cậu vào một cuộc sống vật chất thuần túy lý trí, nhưng bản chất thiện lương và thông minh của Tolstoy lại giúp ông khám phá ra sự trống rỗng và vô nghĩa của cuộc sống mà ông đang dấn thân vào, nhưng không tìm được lối ra.
Có lẽ vì thế nên ngay trong Chương I, Tolstoy đã giới thiệu một biến cố xã hội có ảnh hưởng sâu xa đến lối sống và tư tưởng của ông sau này, đó là sự hạ bệ Thượng Đế và sự lên ngôi của chủ nghĩa vô thần. Ông viết về điều đó rất cụ thể, rõ ràng như sau:
Tôi nhớ rằng khi tôi 11 tuổi, một cậu học sinh trung học tên là Volodin’ka M, thông báo về phát hiện mới nhất tại trường cậu. Cái phát hiện đó, là không có Thượng đế, và những điều mà người ta đang dạy chúng tôi chỉ là những câu chuyện cổ tích (đó là vào năm 1838).
Xin nhắc lại, đó là vào năm 1838, một cột mốc lịch sử đánh dấu thời điểm lên ngôi của chủ nghĩa vô thần.
Thưa độc giả, trước khi đọc “Tự Thú’, tôi cũng đã có một dự cảm đúng khi cho rằng chủ nghĩa duy vật vô thần đã lên ngôi từ nửa đầu thế kỷ 19. Bây giờ tôi đã yên tâm rằng dự cảm đó hoàn toàn đúng. Nhưng có hai câu hỏi cần hỏi:
Một, tại sao cần phải quan tâm đến thời điểm lên ngôi của chủ nghĩa vô thần? Trả lời: Vì nó giúp chúng ta giải thích được nhiều trào lưu tư tưởng và hiện tượng xã hội diễn ra từ thế kỷ 19 cho tới nay. Chẳng hạn, tại sao Học thuyết Darwin thắng thế, tại sao Chủ nghĩa Toán học hình thức hoành hành trong thế kỷ 20,…
Hai, tại sao chưa cần đọc “Tự Thú” mà tôi đã đoán rằng chủ nghĩa vô thần lên ngôi từ nửa đầu thế kỷ 19? Về câu hỏi này, xin có đôi lời giải thích như sau.
Cách đây ngót một phần tư thế kỷ, tôi từng nghĩ rằng chủ nghĩa duy vật vô thần lên ngôi trong giai đoạn cuối thế kỷ 19. Ấy là vì năm 1992, khi đọc cuốn “Hành trình về Phương Đông” của Baird Spalding, do Nguyên Phong chuyển ngữ, tôi bị ấn tượng mạnh với sự kiện sau đây trong Phần Mở đầu: “Cách đây không lâu, một tờ báo lớn tại Hoa Kỳ đã tuyên bố: Thượng Đế đã chết”.
Phản ứng tự nhiên hối thúc tôi tìm nguồn gốc của tuyên bó đó. Không khó gì để tìm thấy câu trả lời: đó là lời kêu gào của gã điên trong truyện ngụ ngôn “Gã Điên” (The Parable of the Madman) của Friedrich Nietzsche, xuất bản năm 1882. Độc giả nào muốn tìm hiểu kỹ truyện ngụ ngôn này, xin đọc “Nietzsche’s Madman / Gã điên của Nietzsche” trên PVHg’s Home ngày 27/11/2014. Câu chuyện về “Gã điên” cho thấy Thượng Đế đã bị hạ bệ ít nhất từ cuối thế kỷ 19. Trong một thời gian dài, tôi đinh ninh như thế.
Nhưng khi tìm hiểu Học thuyết Darwin, tôi bắt đầu thay đổi nhận thức – tôi ngờ rằng chủ nghĩa duy vật vô thần có lẽ đã ra đời sớm hơn, ít nhất là trước năm 1859, khi Charles Darwin cho ra mắt cuốn “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species). Tại sao tôi suy đoán như vậy? Ấy là vì:
Học thuyết Darwin là một học thuyết hoàn toàn tưởng tượng, không có cơ sở thực tế và không có chứng minh khoa học thuyết phục. Ấy thế mà nó lại giành được thắng lợi trên diễn đàn học thuật thế kỷ 19 để trở thành một học thuyết chính thống trong sinh học cho tới tận ngày nay. Cái gì giúp cho một lý thuyết phi khoa học thắng thế trong khoa học?
Tôi cho rằng nó thắng thế không phải vì sự thuyết phục về mặt khoa học (thực tế nó bị rất nhiều người chống đối ngay từ đầu), nhưng nó đã giành được sự ủng hộ của trào lưu duy vật vô thần đang dấy lên mạnh mẽ trong giới khoa học đương thời. Còn gì hấp dẫn các nhà khoa học vô thần hơn việc giải thích mọi bí mật của sự sống mà không cần đến Thượng Đế? Từ đó suy ra rằng chủ nghĩa vô thần phải có chỗ đứng khá vững chắc trong khoa học trước khi Darwin công bố học thuyết của ông, tức là trong nửa đầu thế kỷ 19.
Nay đọc “Tự Thú” của Tolstoy, tôi thấy suy đoán của tôi đúng: “Thượng Đế đã chết” từ năm 1838, như anh chàng Volodin’ka M trong “Tự Thú” của Tolstoy đã loan báo, thay vì phải đợi đến tận năm 1882, khi Nietzsche cho ra mắt tác phẩm “Gã Điên”.
Loan báo của anh chàng Volodin’ka M có ý nghĩa rất quan trọng. Quan trọng đến nỗi Lev Tolstoy phải đưa sự kiện này vào “Tự Thú” ngay từ Chương I, bởi vì đó chính là lý do sâu xa dẫn tới cuộc khủng hoảng Đức tin của ông. Đó là sự loan báo về một xu thế mới của thời đại: xu thế hạ bệ Thượng Đế và tôn vinh chủ nghĩa vô thần. Điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến mọi thành viên xã hội, đặc biệt là giới trẻ đương thời, mà Tolstoy là một. Ảnh hưởng này rất rõ, như Tolstoy đã kể:
Từ tuổi 16, tôi đã bỏ cầu nguyện, bỏ đi nhà thờ và bỏ ăn kiêng.
Nói đơn giản và dễ hiểu, Tolstoy đã bỏ Đạo từ năm 16 tuổi. Giả sử ông không bỏ đạo, liệu ông có rơi vào tình trạng khủng hoảng đức tin không? Không thể đưa ra giả thiết đó, vì con người rất khó có thể tách rời xã hội, con người dù giỏi đến mấy, độc lập tính cao đến mấy, cũng khó có thể không chịu ảnh hưởng của thời đại mình sống. Bản thân việc ông bỏ Đạo đã nói lên rất rõ rằng ông là sản phẩm của thời đại của ông, là sản phẩm của xu thế vô thần đang dấy lên mạnh mẽ lúc đó, thậm chí của xu thế suy đồi đạo lý như ông mô tả sau đây:
Tôi thì còn trẻ, tôi có những đam mê, và tôi cô độc, hoàn toàn cô độc, bất cứ khi nào tôi tìm kiếm cái gì (là) tốt lành. Cứ mỗi lần tôi cố biểu lộ những mong ước chân thành tâm huyết nhất của tôi – mong ước trở nên tốt lành về mặt đạo đức – thì tôi gặp phải sự khinh miệt, sự chế giễu; và ngay khi tôi buông mình vào những đam mê thấp hèn, tôi được ngợi khen và cổ vũ. Tham vọng, lòng yêu quyền lực, quyền lợi cá nhân, sự dâm đãng, tính kiêu ngạo, sự giận dữ, sự trả thù – tất cả mọi thứ này thì rất được nể trọng.
Có lẽ không cần bình luận thêm về sự suy đồi đạo lý này. Tolstoy mô tả quá đầy đủ rồi. Nhưng đó là sự mô tả môi trường xã hội xung quanh ông, còn bản thân ông thì sao? Ông tự thú:
Tôi không thể nào hồi tưởng lại những năm tháng này mà không có niềm kinh hãi, sự ghê tởm, và nỗi đau xé lòng. Tôi giết người trong chiến tranh, thách đấu súng với mục đích giết chết đối thủ, và thua bạc; tôi đã phung phí những thành quả lao động của những nông dân và rồi ngược đãi họ; tôi đã từng là một kẻ thông dâm và một kẻ lừa đảo. Nói dối, trộm cắp, bừa bãi và lang chạ đủ kiểu, rượu chè, bạo động, sát nhân –không có tội ác nào mà tôi đã không phạm phải; mặc dù thế, tôi được ca ngợi, và những đồng nghiệp của tôi đã và vẫn đang thực sự xem tôi là một người tương đối có đạo đức.
Xin thú thực là tôi vẫn không tin Tolstoy đã có thể có những giai đoạn sống tầm thường và tội lỗi như thế. Nó chẳng xứng hợp tí nào với hình ảnh về ông mà tôi từng ấn tượng sau khi đọc sách của ông, như “Chiến tranh và Hòa bình”,… Thật quá sức tưởng tượng. Nhưng nếu những lời tự thú nói trên là chính xác, thì phải nói Tolstoy là người cực kỳ dũng cảm, và thật đáng kính vì sự dũng cảm đó! Con chiên xưng tội với Cha Đạo chắc cũng không dũng cảm nói về tội lỗi của mình như ông. Vậy Tolstoy tự thú như thế là một hành động xuất phát từ truyền thống tôn giáo vốn có ở ông, mặc dù ông đã từ bỏ, hay từ bản chất thiện lương của ông? Dù lý giải thế nào đi chăng nữa thì cũng phải thừa nhận rằng Thượng Đế thực ra vẫn ở trong con người ông, và chính Thượng Đế ấy đã xung đột với tất cả những giá trị mà chủ nghĩa vô thần tôn vinh. Thượng Đế ấy xung đột với tất cả những thắng lợi mà ông đã giành được trong đời. Ông viết:
Tôi sợ cuộc sống, tôi vùng vẫy để loại bỏ nó, và tuy vậy, tôi vẫn hy vọng về một cái gì đó từ nó. Và điều này đang xảy ra cho tôi vào một thời điểm mà, từ mọi dấu chỉ, lẽ ra tôi nên được xem là một người hoàn toàn hạnh phúc; sự việc này xảy ra khi tôi chưa đầy 50 tuổi. Tôi có một người vợ tốt, nàng yêu tôi và tôi tha thiết yêu nàng, những đứa con xinh xắn và một bất động sản lớn đang phát triển và bành trướng mà tôi khỏi cần có nỗ lực nào. Hơn bao giờ cả, tôi được kính nể bởi bạn hữu và người quen, được ca ngợi bởi những người lạ, và tôi có thể tự đòi hỏi một danh tiếng nào đó mà thực sự không tự lừa dối mình. Hơn nữa, tôi không bệnh hoạn về thể xác và tinh thần; trái lại, tôi được hưởng một khí lực mạnh mẽ về cả thể xác lẫn tinh thần, mà tôi hiếm khi gặp được trong số những người cùng lứa tuổi với tôi. Về mặt thể lực, tôi có thể theo kịp những nông dân làm việc trên cánh đồng; về mặt tâm thần, tôi có thể làm việc 8 – 10 tiếng đồng hồ liên tiếp mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào từ sự căng thẳng đó. Và trong cái hiện tình như thế, tôi đã đi tới một điểm mà tại đó tôi không thể sống; và cho dù tôi không sợ hãi cái chết, tôi đã phải sử dụng những mưu mẹo chống lại chính mình để giữ cho mình khỏi tự vẫn.
Sự khủng hoảng trong tư tưởng của Tolstoy phải nói là đã đạt tới mức độ quá quắt và kỳ quặc, đến nỗi ngay cả tình cảm yêu thương trong gia đình cũng không còn là cái có ý nghĩa nữa, hoặc sáng tạo nghệ thuật cũng chỉ còn là một trò chơi trang trí, chẳng có nhiều ý nghĩa như người ta huyễn hoặc. Đây, ông đặt câu hỏi về gia đình:
Tại sao tôi nên thương yêu họ ? Tại sao quan tâm tới họ, nuôi nấng họ, và chăm nom họ ? Hãy để cho họ có thể chìm vào trong nỗi tuyệt vọng, cái đang ăn mòn tôi, hay cứ để họ tiếp tục sống với sự ngu xuẩn?
Nếu không biết đó là lời “Tự Thú” của Tolstoy, mà tưởng ai đó đang nói như thế, tôi sẽ nhắc người đó rằng: Ông ơi, ông điên rồi, tình yêu thương trong gia đình là lẽ tự nhiên mà Tạo Hóa đã bầy đặt ra từ thủa khai sinh loài người rồi. Con vật còn biết yêu thương nhau huống chi con người. Vậy cớ sao ông thắc mắc? Ông muốn chất vấn Tạo Hóa ư? Ông điên rồi (thực tế là trong “Tự Thú”, Tolstoy cũng coi những khủng hoảng của mình đã đạt tới sự điên rồ).
Hoặc nếu tưởng những lời thú nhận của Tolstoy nói trên không phải của Tolstoy, mà xuất phát từ cửa miệng của một Kitô hữu nào đó, tôi cũng sẽ chất vấn: Này bạn, bạn là con của Chúa mà bạn không hiểu điều cốt lõi của Đạo là tình yêu thương ư? Chúa Jesus dạy: “Này các con, Cha ta yêu thương ta, nên ta yêu thương các con”, và “Ta yêu thương các con, vậy các con phải yêu thương lẫn nhau”. Một Kitô hữu mà không hiểu điều đó ư? Một Kitô hữu mà lại đặt câu hỏi thắc mắc tại sao tôi phải yêu thương gia đình của tôi thì còn gì là Kitô hữu nữa? Nhưng tôi sẽ ngừng chất vấn ngay, nếu biết rằng người Kitô hữu này đã bỏ Đạo. Tiếc thay, người Kitô hữu ấy lại chính là Lev Tolstoy, một đại văn hào được cả thế giới ngưỡng mộ.
Có cách nào lý giải cơn khủng hoảng của Tolstoy một cách dễ hiểu hơn không? Theo tôi, câu trả lời nằm trong truyện ngụ ngôn “Gã Điên” của Nietzsche. Đây là một sự liên tưởng khá bất ngờ, nẩy sinh trong đầu tôi ngay trong lúc tôi đang viết những dòng này, và tôi cảm thấy hợp lý.
Như tôi đã trình bầy trong bài viết “Gã Điên của Nietzsche”, rằng thiên hạ đã hiểu lầm Nietzsche, gán cho ông cái tội phổ biến tư tưởng hạ bệ Thượng Đế qua lời tuyên bố “Thượng Đế đã chết”. Không, không phải như thế. Nietzsche đặt câu nói đó vào cửa miệng gã điên, để cho gã điên giữa ban ngày cầm đèn chạy ra giữa chợ tìm Thượng Đế, rồi kết luận “Thượng Đế đã chết”, trước sự cười cợt chế nhạo của đám đông vây xung quanh. Thực ra gã điên muốn cảnh báo nhân loại rằng Thượng Đế đã chết, và điều đó tạo ra một khoảng trống lớn về đạo lý trong xã hội, vì trong mấy ngàn năm trước đó, Thượng Đế là nền tảng của Đức tin, là giường cột giữ cho xã hội cân bằng trong vòng đạo lý, nay Thượng Đế đã chết mà chưa có hoặc không có bất kỳ một cái gì có thể thay thế. Điều đó thật đáng lo ngại. Đó chính là lời cảnh báo của Nietzsche, vì thế truyện của ông mới được gọi là truyện ngụ ngôn. Nhưng đúng như ông mô tả, đám đông đứng xung quanh cười cợt chế nhạo gã điên, đám đông vô minh ấy không hiểu rằng gã điên đã báo động cho họ nguy cơ về một tương lai hỗn loạn bởi nền tảng đạo lý đã bị hủy hoại. Đám đông vô minh ấy không nhận ra rằng gã điên chính là một kẻ tỉnh táo, và chính họ là một lũ điên. Từ “Gã Điên” đến nay, đã hơn 130 năm rồi, vậy mà đám đông vẫn không hiểu lời cảnh báo của Nietzsche.
Nay đọc “Tự Thú” của Tolstoy, tôi thấy hóa ra ông chính là nạn nhân của những gì mà Nietzsche cảnh báo. Sự kiện Volodin’ka loan báo trong “Tự Thú” cũng có nội dung y như lời của gã điên của Nietzsche kêu la ngoài chợ. Loan báo ấy đẩy Tolstoy vào một khoảng trống tư tưởng, khoảng trống đạo lý, khoảng trống Đức tin, khoảng trống về ý nghĩa sự sống. Nhưng Tolstoy không thuộc loại người trong đám đông đứng vây quanh gã điên của Nietzsche. Ông ý thức được khoảng trống ấy. Ông sợ hãi khoảng trống đó. Ông rơi vào khủng hoảng…
Còn quá nhiều điều để nói từ cuốn “Tự Thú” này, nhưng nếu tham lam trình bầy hết ra đây thì e rằng tôi sẽ phải trích dẫn hầu như toàn bộ tác phẩm. Điều đó là bất khả, vì thế tôi đành phải chọn một cách nói chuyện mà tôi chưa từng áp dụng, ấy là “để đói” câu chuyện – bỏ dở câu chuyện ngang chừng, để độc giả cảm thấy “đói”, muốn biết rõ hơn về “Tự Thú”, và do đó sẽ tự tìm đọc tác phẩm này.
Nhưng có một ý quan trọng, một ý quyết định cho bài viết hôm nay, không thể “để đói” được. Đó là câu hỏi sau đây: Rốt cuộc, Tolstoy có tự vẫn không? Cuộc khủng hoảng Đức tin của ông có chấm dứt không? Ông có trở lại với Đức tin nguyên sơ của ông không?
Độc giả có thể tự tìm câu trả lời trong “Tự Thú”. Còn tôi, tôi chỉ làm một công việc rất đơn giản, ấy là trích dẫn những câu nói của ông mà tôi cho rằng có thể thay cho câu trả lời cho những câu hỏi nói trên. Đây, những câu trong “Tự Thú” mà tôi thấy có ý nghĩa nhất:
Tôi nhớ rằng, tôi đã sống chỉ khi nào tôi tin vào Thượng đế. Rồi, như bây giờ, tôi nói với chính mình, “Chừng nào tôi biết Thượng đế, tôi sống; khi tôi quên, hay khi tôi không tin vào Ngài, tôi chết.” Những cái chết và những hồi sinh này là gì ? Thật rõ là, tôi không sống bất cứ khi nào tôi mất đức tin vào sự hiện hữu của Thượng đế, và có lẽ tôi đã tự vẫn từ lâu, nếu tôi đã không có một niềm hy vọng mơ hồ về việc sẽ tìm thấy Thượng đế. Tôi chỉ thực sự sống bất cứ khi nào tôi ý thức về Ngài và tìm kiếm Ngài. “Vậy thì, tôi tìm kiếm cái gì?” một giọng nói vang lên trong tôi. “Ngài thì ở kia, và nếu không có Ngài, thì không thể có sự sống.” Biết Thượng đế và sống dẫn tới một và cùng một điều. Thượng đế là sự sống.
Hãy sống, tìm kiếm Thượng đế, bởi vì không thể có sự sống mà không có Thượng đế.
Trong bản chất, tôi trở lại với những điều đầu tiên, với những điều của tuổi thơ và tuổi trẻ. Tôi trở lại với đức tin vào cái ý chí đó – cái ý chí đã cho tôi chào đời và yêu cầu một cái gì đó ở tôi; tôi trở lại với cái xác tín rằng, mục đích duy nhất và quan trọng nhất trong đời tôi là trở nên tốt hơn, (là) sống theo cái ý chí này.
Tóm lại, tôi trở lại với một niềm tin vào Thượng đế, vào sự toàn thiện về đạo đức, và tin vào một truyền thống mà đã truyền dần ý nghĩa vào cho cuộc sống. Cái khác biệt duy nhất là, trước đây tôi đã một lần chấp nhận tất cả những cái này trên bình diện vô thức, trong khi bây giờ tôi biết, một cách hữu thức, rằng tôi không thể sống thiếu nó.
Cái bờ là Thượng đế, dòng nước là truyền thống, và những mái chèo là cái ý chí tự do đã được ban cho tôi để chèo được tới bờ, nơi mà tôi sẽ được kết hợp với Thượng đế. Cái lực của sự sống được hồi sinh bên trong tôi như thế, và tôi bắt đầu sống lại một lần nữa.
Phúc thay cho Lev Tolstoy, sau những cơn vật vã của lý trí, nhiều lúc tưởng như lý trí của ông sẽ hủy diệt Đức tin, ông đã phục sinh về linh hồn, ông đã trở về với Đức tin thời thơ ấu. Chỉ khác rằng Đức tin thời thơ ấu của ông có được bằng vô thức, còn bây giờ, bằng ý thức. Đó chính là sự hòa hợp kỳ diệu của lý trí với Đức tin.
Xin nói thêm rằng Tolstoy, trong cuộc khủng hoảng tìm kiếm Đức tin, đã khám phá ra rằng Đức tin chất phác của người nông dân hóa ra lại là một Đức tin thuần khiết quý giá, bởi nó giúp cho con người tiếp cận trực tiếp với Thượng Đế mà không cần đến lý trí phức tạp. Tâm trạng này rất giống Louis Pasteur. Thật vậy, Pasteur cũng từng nói rằng ông ao ước có được Đức tin của người nông dân Breton. Hóa ra những bộ não xuất sắc như Pasteur và Tolstoy đều nhận ra rằng Đức tin chân thành và hồn nhiên chất phác là Đức tin đẹp nhất, bởi nó không bị lý trí làm cho rối loạn. Viết đến đây tôi nhớ đến lời Chúa Jesus nói với các môn đệ: “Ta bảo thật anh em, nếu anh em không biến đổi nên như các trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời” (Matthew 18:3).
Tài liệu tham khảo: http://viethungpham.com/2016/03/25/faith-and-reason-duc-tin-va-ly-tri/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét